3.218 người chết vì động đất

TTO -  Tính đến sáng 27-4, số người thiệt mạng vì động đất đã tăng lên 3.218 người. Các nhân viên cứu hộ địa phương và quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức cực lớn.

Theo CNN, ngay sau khi động đất xảy ra, các nhân viên cứu hộ Nepal đã trở thành những người hùng thầm lặng. Hàng loạt tổ chức cứu trợ quốc tế và của Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu phối hợp để hỗ trợ nước này đối phó với thảm họa động đất.Theo thông báo của Chính phủ Nepal, hơn 6.500 người bị thương, trong số  3.218 người chết có khoảng 90 người thiệt mạng vì ảnh hưởng của động đất ở các nước xung quanh Nepal, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên cả nhân viên cứu hộ trong và nước ngoài đều phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về nguồn lực, hậu cần, mối đe dọa đối với bản thân…Trong 72 giờ đầu tiên sau thảm họa, phản ứng cứu hộ luôn xuất phát từ chính địa phương.

Quá nhiều áp lực

Những người không quen biết chia sẻ chỗ trú ẩn và lượng thức ăn ít ỏi. Các đội cứu hộ không được đào tạo đang nỗ lực kéo nhiều nạn nhân ra khỏi những đống đổ nát. Nhưng ở các bệnh viện tại Nepal, việc thiếu nguồn lực là một vấn đề nghiêm trọng.

Các bệnh viện Nepal quá thiếu bác sĩ và y tá nên không đủ sức xoay xở với dòng bệnh nhân ồ ạt tới chữa trị. Các trung tâm y tế ở nông thôn không có kinh nghiệm, nhân lực hay thiết bị để chữa trị các chấn thương thường xảy ra trong động đất.

Hầu hết cơ sở y tế còn thiếu cả những nguồn lực cơ bản như nước sạch, băng gạc, thuốc giảm đau…

Hạ tầng yếu kém cũng là một cản trở lớn đối với các nỗ lực cứu hộ. Các sân bay ở Nepal đều đang hoạt động hết công suất và nhiều nước đã vận chuyển hàng cứu trợ tới đây.

Tuy nhiên, những con đường để phân phối hàng cứu trợ từ sân bay đều hư hại hoặc đầy gạch đá. Chính phủ Nepal thiếu nhân lực và phương tiện để dọn dẹp các con đường này.

Nguy cơ đối với tính mạng của nhân viên cứu hộ là rất lớn. Các nhân viên không được đào tạo buộc phải chui vào các tòa nhà đổ nát để cứu người, qua đó mạo hiểm tính mạng của chính họ. Dư chấn, lở đất hay tuyết lở đều có thể cướp đi sinh mạng của nhân viên cứu hộ.

Việc sơ cứu cho nạn nhân mà không có găng tay hoặc nước sạch khiến họ đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc các bệnh truyền nhiễm. Bản thân họ cũng có thể bị cướp, bị tấn công, bởi có không ít người trong cơn tuyệt vọng sẵn sàng làm những điều tồi tệ.

Sức ép tâm lý đối với nhân viên cứu hộ rất đáng kể. Mọi nhân viên cứu hộ đều biết mỗi giây phút dừng lại để ăn hoặc ngủ đều cản trở họ giúp đỡ nạn nhân và hậu quả là thêm nhiều người thiệt mạng. Cảm giác tội lỗi và thất vọng luôn ám ảnh những quyết định khó khăn mà các nhân viên cứu hộ phải thực hiện.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định một chiến lược cứu hộ có tổ chức cao sẽ giúp giảm thiểu nỗi đau đối với đất nước Nepal. Vấn đề là các tổ chức cứu hộ phải đánh giá chính xác nhu cầu ở từng khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng các tổ chức cứu hộ nước ngoài cần phải ủng hộ cơ chế phản ứng chống thảm họa của Chính phủ Nepal và hiểu vai trò của các tổ chức cứu hộ địa phương.

Một vấn đề nữa là đối với một thảm họa lớn như thế này, chiến dịch cứu hộ không chỉ kéo dài trong vài ngày mà diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Ví dụ điển hình là ở Vanuatu. Một tháng sau siêu bão Pam, các đội cứu hộ vẫn phải xoay xở đưa nước sạch đến cho người dân và nỗ lực chống dịch bệnh lây lan.

96 giờ quan trọng

Theo Reuters, từ hôm qua đã có hàng loạt tổ chức quốc tế và các nước đưa những đội cứu hộ, bác sĩ, thuốc men, hàng cứu trợ…. tới Nepal. Các đội cứu hộ của Ấn Độ, Pakistan, Mỹ, Israel và Trung Quốc đều đã có mặt để hỗ trợ lực lượng cứu hộ địa phương. 

Liên Hiệp Quốc cho biết các đơn vị từ Nhật, Mỹ và Anh với chó nghiệp vụ và thiết bị đặc biệt cũng sắp sửa tới Kathmandu.

Liên Hiệp Quốc cho biết ở thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu vẫn là cứu người sống sót. Và khoảng thời gian 96 giờ đầu tiên là vô cùng quan trọng.

“Mỗi phút đều quý giá đối với những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Họ có thể bị mất nước, khó thở vì thiếu oxy, bị thương ở đầu, mất máu….”, chuyên gia Unni Krishnan của Tổ chức Plan International cho biết.

Tại thung lũng Kathmandu, các bệnh viện đều bị quá tải và không còn chỗ để chứa thi thể người thiệt mạng. Một số bệnh viện phải để bệnh nhân nằm ngoài trời. UNICEF ước tính 940.000 trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động đất.

“Cuộc khủng hoảng này khiến trẻ em dễ bị tổn thương. Chúng không được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh, do đó dễ mắc bệnh truyền nhiễm, bị chia cắt với gia đình… ” - UNICEF cho biết.

Đến nay, Chính phủ Nepal đã bắt đầu điều phối hoạt động của các tổ chức cứu hộ. Các tổ chức cứu hộ tuyên bố hi vọng sẽ phân phát được nước sạch, mền, thực phẩm, thuốc men… cho người dân Nepal trong ngày hôm nay.

 

Nguồn tuoitre.vn